Bí mật nuôi con thành công của người Hàn Quốc

Thứ hai - 06/01/2020 02:23
Euny Hong, nhà văn, nhà báo người Mỹ gốc Hàn cho rằng "nunchi", phương pháp cảm nhận bằng mắt là cách nuôi dạy con khác biệt của người Hàn Quốc.

Euny Hong từng có bài đăng trên các tờ báo lớn như New York Times, Financial Times, Washington Post, International Herald Tribune... Cô chia sẻ trải nghiệm của bản thân về cách giáo dục con của người Hàn Quốc.

Khi còn bé, một trong những từ đầu tiên tôi được học là "nunchi", nghĩa đen là "phương pháp cảm nhận bằng mắt". Nunchi là nghệ thuật nhận biết những gì người khác đang nghĩ và cảm nhận để có cách nói chuyện, cư xử phù hợp. 

Tốc độ là điều quan trọng khi luyện tập kỹ năng nunchi. Những người sở hữu nunchi nhanh có thể biết người khác đang nghĩ và cảm thấy thế nào chỉ qua một vài từ, cử chỉ hoặc nét mặt của họ.

Ở Hàn Quốc, nunchi là kỹ năng được đề cao. Một số người còn coi nunchi gần như kỹ năng siêu nhiên, giúp đọc suy nghĩ người khác. Tuy nhiên, nunchi không làm được điều đó. Kỹ năng này giúp bạn có sự nhạy bén, đồng cảm, thấu hiểu để chọn đúng đối tác kinh doanh, tỏa sáng trong công việc và giảm bớt lo lắng xã hội...

Nunchi dễ bị nhầm lẫn với sự đồng cảm nhưng việc luôn đồng cảm có thể khiến chúng ta yếu đuối. Nunchi đặt sự quan sát, yên tĩnh lên hàng đầu, cho phép bạn lắng nghe người khác nhưng vẫn giữ vững lập trường của mình..

"Con không có nunchi"

Trong cách dạy con truyền thống của người Hàn Quốc, nunchi giống như việc "nhìn hai bên khi sang đường", tức là phải quan sát nhiều phía để đưa ra lựa chọn cẩn thận. Bố mẹ thường dạy về nunchi khi trẻ lên ba tuổi vì người Hàn Quốc tin rằng "một thói quen được hình thành từ ba tuổi sẽ kéo dài đến 80 tuổi".

"Con không có nunchi" là câu nói mang ý nghĩa trừng phạt. Khi còn nhỏ, có lần tôi đã vô tình xúc phạm một người bạn của gia đình, cố bào chữa khi nói "Con không cố ý làm mẹ Jinny buồn". Bố tôi trả lời rằng "Sự thật đôi khi khiến mọi thứ tệ hơn chứ không tốt lên chút nào".

Nhiều người có thể thấy câu nói của bố tôi khó hiểu vì vô tình ít ra vẫn tốt hơn cố tình, phải vậy không? Tuy nhiên, có một cách khác để suy nghĩ về sự việc này: Nếu một đứa trẻ không nhận thức được hậu quả từ hành vi và lời nói của chúng đến người khác, đứa trẻ đó không có nunchi.

Tạo cho trẻ nunchi từ trong tâm trí

Tôi chưa làm mẹ, nhưng có thể chứng thực và đảm bảo cho sự phát triển của một đứa trẻ nếu được nuôi dạy bằng nunchi. Kỹ năng này để trẻ em biết thế giới không xoay quanh chúng và mọi người không có nghĩa vụ phải làm chúng hài lòng.

Ví dụ, một đứa trẻ tỏ ra mất kiên nhẫn khi phải xếp hàng mua đồ ăn, liên tục kêu đói và mỏi chân với mẹ. Lúc này, bố mẹ cần chỉ cho trẻ thấy mọi người đều đang xếp hàng và trẻ không phải người duy nhất cảm thấy đói và mỏi chân.

Một trường hợp khác, hầu hết trường học tại Hàn Quốc không thuê người dọn dẹp. Học sinh sẽ chia thành các nhóm nhỏ, thay nhau dọn dẹp phòng tắm, nhà vệ sinh, lớp học và sân trường. Bài học ở đây là nếu bạn càng gọn gàng thì càng mất ít thời gian để dọn dẹp. Mỗi học sinh phải có ý thức giữ gìn và chịu trách nhiệm về môi trường sống vì điều đó có ảnh hưởng đến cả nhóm.

Trẻ em cần nunchi

Một số trẻ em may mắn có sẵn nunchi khi sinh ra, một số có được nhờ luyện tập. Tôi thuộc trường hợp thứ hai. Năm 12 tuổi, gia đình tôi rời Mỹ để trở về Hàn Quốc. Mặc dù chỉ nói được tiếng Anh, tôi đăng ký theo học một trường công lập tại Hàn.

Đây là nơi tốt nhất để tôi học về nunchi bởi phải điều chỉnh mình, văn hóa mà mình đã có để hòa đồng với các bạn. Để thành công tại Hàn Quốc, tôi cần có nunchi, điều tôi vẫn hay gọi là giác quan thứ sáu của mình.

Những gì tôi học được từ nunchi là nếu có thể quan sát một cách kiên nhẫn, mọi câu hỏi "phải làm gì?", "làm thế nào?", "chịu trách nhiệm ra sao?" bạn sẽ đều tìm được câu trả lời mà không cần nói ra.

Sau hơn một năm về Hàn Quốc, tôi đứng đầu lớp, giảnh giải thưởng tại môn toán và vật lý. Trong 18 tháng, tôi được bầu làm phó chủ tịch lớp dù tiếng Hàn vẫn chưa thành thạo.

Nunchi đã giúp tôi hiểu, không cần là người thông minh, giàu có hay giỏi giang nhất, bạn cần có kỹ năng quan sát, đồng cảm, nắm bắt tâm lý và cảm xúc của người khác để có lựa chọn phát triển bản thân một cách phù hợp.

Thanh Hằng (Theo CNBC)

Nguồn tin: https://vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây